NHỮNG CÁCH PHÒNG BỆNH SỞI CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN HIỆU QUẢ

NHỮNG CÁCH PHÒNG BỆNH SỞI CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN HIỆU QUẢ

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, thậm chí tốc độ lây lan của chúng còn nhanh hơn so với Covid-19 và virus cúm.

Do đó, cách phòng bệnh sởi tốt nhất được các chuyên gia y tế khuyến cáo là tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ sớm ngay từ lúc trẻ vừa đạt 9 tháng tuổi đồng thời tiêm đầy đủ, đúng lịch các mũi còn lại theo khuyến cáo. Vậy ngoài tiêm vắc xin ngừa sởi thì có bao nhiêu cách phòng bệnh sởi? 

Hướng dẫn cách phòng bệnh sởi chi tiết

Chuyên gia cho biết để phòng bệnh sởi hiệu quả cần sự tổng hòa của nhiều giải pháp, bao gồm: tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch; giữ vệ sinh môi trường sống và sinh hoạt, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, thực hiện biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng cần phát huy ý thức tự giác phòng chống dịch sởi trong cộng đồng. Khi ý thức phòng bệnh được phát huy, góp phần nguy cơ lây lan dịch bệnh giảm thiểu, bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi có sức đề kháng yếu.

1. Vắc xin sởi là cách ngừa bệnh sởi hữu hiệu nhất

Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ từ 2 mũi, tiêm đúng lịch và tiêm càng sớm càng tốt trong độ tuổi khuyến cáo, thường là cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn để giúp cơ thể được bảo vệ trước sự tấn công của virus sởi.

Khi vắc xin được tiêm vào cơ thể, hệ thống miễn dịch nhận diện các thành phần kháng nguyên của vắc xin sởi như một tác nhân gây bệnh thực sự và bắt đầu quá trình phản ứng. Cơ thể phản ứng bằng cách sản xuất các kháng thể đặc hiệu chống lại các thành phần kháng nguyên có trong vắc xin. Đồng thời, sau khi tiêm, cơ thể cũng hình thành trí nhớ miễn dịch với virus sởi nhằm giúp cơ thể nhận diện và phản ứng nhanh chóng nếu có tiếp xúc với virus sởi trong tương lai, bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh.

Hiện nay, vắc xin sởi được lưu hành tại Việt Nam bao gồm vắc xin sởi đơn và vắc xin phối hợp dành cho mọi lứa tuổi bao gồm:

Vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR): 

  • Vắc xin kết hợp 2 trong 1 phòng sởi – rubella (MRVAC – Việt Nam)
  • Vắc xin sởi đơn (MVVac – Việt Nam)

Vắc xin dịch vụ:

  • Vắc xin sởi đơn (MVVac – Việt Nam)
  • Vắc xin kết hợp 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella (Priorix – Bỉ)
  • Vắc xin kết hợp 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella (MMR II – Mỹ)
  • Vắc xin kết hợp 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella (MMR – Ấn Độ)

2. Phòng ngừa sởi qua vệ sinh cá nhân

  • Rửa tay thường xuyên

Virus sởi lây lan chủ yếu qua các giọt bắn từ người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc giao tiếp và chúng có thể tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, tay nắm cửa lên tới 2 giờ đồng hồ. Chuyên gia cho biết bệnh sởi có tốc độ lây lan rất cao, nhanh hơn so với Covid-19 và cúm. Nếu Covid-19 chỉ lây cho 2-5 người thì một người mắc sởi có thể lây từ 12-18 người.

Nếu bản thân chưa mắc sởi hoặc chưa từng tiêm vắc xin sởi, ở chung không gian kín với người bệnh, nguy cơ lây nhiễm sởi rất cao qua đường hô hấp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi với hơn 306.000 ca mắc được ghi nhận trên toàn thế giới trong năm 2023, tăng 79% so với năm 2022. [1]

Vì vậy, một trong những cách phòng bệnh sởi đơn giản, hiệu quả là tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường công cộng, trước và sau khi ăn/ đi vệ sinh để giúp loại bỏ virus khỏi tay và ngăn ngừa việc lây lan qua tiếp xúc.

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi

Khi ho hoặc hắt hơi, các giọt dịch từ đường hô hấp chứa virus có thể phát tán ra môi trường xung quanh và lây nhiễm cho người khác. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho, hắt hơi nhằm ngăn chặn sự lây lan và phát tán của virus. Sau khi sử dụng, khăn giấy cần được vứt bỏ ngay vào thùng rác kín và rửa tay sạch sẽ để đảm bảo an toàn. Đây là cách phòng ngừa sởi hiệu quả.

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh

Sởi có khả năng lây lan rất cao, vì vậy ngay khi phát hiện có ca mắc Sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Ngoài ra, mỗi người cũng cần hạn chế đến những khu vực đông người như trường học, bệnh viện, nơi công cộng khi có dịch để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus sởi đến từ cộng đồng. Đây là một trong những cách phòng bệnh sởi hiệu quả và cần được thực hiện nghiêm túc để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. 

  • Vệ sinh môi trường sống

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, môi trường sống cũng cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, đảm bảo luôn thoáng khí. Mỗi người cần chủ động lau chùi, khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn ghế, điều khiển tivi, điều khiển máy lạnh, các thiết bị điện tử, đồ chơi trẻ em để loại bỏ virus bám vào các vật dụng này.

Ngoài ra, mỗi gia đình cũng có thể trang bị thêm máy lọc không khí để lọc bụi bẩn trong không khí, các hạt bụi siêu vi, đồng thời giúp khử mùi cũng như các tác nhân gây bệnh khác tồn tại trong không khí, bảo vệ hệ hô hấp cho các thành viên trong gia đình.

3. Chế độ dinh dưỡng tốt để tăng cường đề kháng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phòng ngừa và chống lại bệnh sởi. Để duy trì sức đề kháng tốt, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các nhóm chất và dưỡng chất thiết yếu:

  • Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu hụt vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc sởi và làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, bổ sung vitamin A đầy đủ không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc sởi mà còn giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy và mù lòa. Vì vậy, chiến dịch uống vitamin A định kỳ được khuyến cáo nhằm hỗ trợ phòng ngừa và giảm thiểu tác động của bệnh sởi, đặc biệt ở các quốc gia có tỷ lệ mắc sởi cao. Ngoài ra, còn có thể bổ sung vitamin A trong các loại rau xanh như rau cải, rau bina hoặc các loại trái cây, củ quả màu vàng cam như cà rốt, bí đỏ, xoài trong bữa ăn hàng ngày.
  • Bên cạnh đó, bổ sung vitamin C – một chất chống oxy hóa mạnh, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch là một trong những cách phòng bệnh sởi đơn giản, hiệu quả cao. Khi cơ thể được cung cấp đủ vitamin C, hệ miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả bằng cách hình thành hàng rào bảo vệ chống lại sự xâm nhập của virus sởi. Ngoài ra, vitamin C còn hỗ trợ giảm viêm, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do sự tấn công của virus và giúp phục hồi nhanh chóng sau khi nhiễm bệnh. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, việc bổ sung đầy đủ vitamin C từ các loại quả họ cam quýt, ổi, dâu tây, kiwi giúp tăng cường sức đề kháng và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sởi hiệu quả.
  • Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các kháng thể bảo vệ cơ thể. Nguồn cung cấp protein chất lượng cao đến từ thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu và chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, kefir (đồ uống lên men từ sữa tươi), các loại thực phẩm lên men khác nhằm giúp hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột, từ đó củng cố hệ miễn dịch ngày càng vững chắc.

Tóm lại, việc cân đối dinh dưỡng hàng ngày, kết hợp cùng lối sống lành mạnh như uống đủ nước, ngủ đủ giấc và vận động thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp cơ thể duy trì sức đề kháng tốt, cách ngừa bệnh sởi hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho người mắc bệnh sởi.

4. Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ để có đề kháng tốt

Nuôi con bằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ sơ sinh trong suốt những năm tháng đầu đời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu sau khi sinh.

Nghiên cứu cho thấy, kháng thể chính trong sữa mẹ là kháng thể bề mặt (Secretory Immunoglobulin A – IgA), nhiều gấp 10-100 lần so với lượng kháng thể này có trong máu. IgA bao phủ phổi và ruột của trẻ, ngăn vi trùng xâm nhập vào cơ thể và máu, đảm bảo trẻ được bảo vệ khỏi nhiều bệnh tật và hỗ trợ sự trưởng thành của hệ thống miễn dịch đang phát triển của trẻ.

5. Tiêm chủng trước mang thai để phòng bệnh

Tiêm chủng trước khi mang thai, đặc biệt là vắc xin phòng sởi, là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi khỏi những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra. Bệnh sởi trong thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, sinh non hoặc thậm chí dị tật bẩm sinh.

Một nghiên cứu năm 2020 đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ của các nhà khoa học người Ý ghi nhận trong 843 trường hợp mắc sởi có tới 51% số ca là nữ giới, 24 bệnh nhân trong độ tuổi từ 17-40 mắc sởi khi đang mang thai. Kết quả kiểm tra thai kỳ bất lợi cho thấy có 2 lần sảy thai tự nhiên, 1 lần sảy thai điều trị, 1 lần thai chết lưu và 6 lần sinh non. Các biến chứng về hô hấp phổ biến hơn ở phụ nữ mang thai (21%) so với phụ nữ không mang thai mắc bệnh sởi (9%).

Ngoài ra, phụ nữ nếu mắc sởi trong thời điểm sinh nở em bé sẽ có nguy cơ mắc viêm màng não xơ cứng bán cấp SSDE – thường khởi phát khi trẻ ở vị thành niên, gây co giật, hôn mê, động kinh thậm chí tử vong sau 1-3 năm. Do đó, chuyên gia khuyến cáo phụ nữ cần hoàn thành phác đồ tiêm vắc xin phòng sởi trước khi mang thai tốt nhất ba tháng để cơ thể kịp sản sinh kháng thể đặc hiệu bảo vệ cả hai mẹ con.

Bài trước Bài sau